Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hải Phòng
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân
LTS- Ngày 8-1, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm "Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: Trách nhiệm, thách thức và sẻ chia". Các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Báo Nhân Dân, Bộ Y tế, một số bộ, ngành và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, đại diện người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe nhiều báo cáo và tập trung thảo luận ba nội dung chính: Sự đóng góp to lớn của ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), thách thức và sự sẻ chia trách nhiệm để nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung của buổi tọa đàm nêu trên.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu khẳng định: Những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước. Ðầu tư cho y tế là đầu tư cho tương lai, cho phát triển. Ngân sách Nhà nước chi cho y tế năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, đề án lớn đầu tư cho ngành y tế thông qua trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ vay vốn xây dựng, mở rộng bệnh viện cũng như nhiều dự án viện trợ phát triển (ODA)... Tuy nhiên, hiện nay ngành y tế nói chung và hệ thống KCB nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi chính đáng ngày càng cao và đa dạng của người bệnh về dịch vụ y tế. Trong khi chất lượng bệnh viện và chăm sóc y tế luôn là vấn đề được cả xã hội đặc biệt quan tâm thì bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần tiếp tục ưu tiên giải quyết, như tình trạng quá tải; thủ tục hành chính về khám, chữa bệnh còn phức tạp; tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, lạm dụng kỹ thuật chưa được kiểm soát chặt chẽ, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, đạo đức của một bộ phận cán bộ y tế ở nhiều bệnh viện chưa được cải thiện.

Trên cơ sở đó, đồng chí Thuận Hữu đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp ý kiến tâm huyết giúp ngành y tế có những giải pháp trúng và đúng nhằm nâng cao chất lượng KCB. Ðồng thời, các bộ, ngành và người dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn thách thức, đồng hành cùng ngành y tế trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung.

Sự đóng góp của ngành y tế là vô cùng to lớn

Về công tác KCB, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, hệ thống bệnh viện Việt Nam được sắp xếp trên cơ sở phân bố rộng khắp, thuận tiện cho khả năng tiếp cận rộng rãi của các bộ phận dân số khác nhau trong toàn xã hội. Các bệnh viện được chia thành ba tuyến (tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện) với tổng số hơn 199 nghìn giường bệnh, đạt tỷ lệ 22,3 giường bệnh/10 nghìn dân. Ngoài ra, còn có 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30 nghìn phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế. Mạng lưới KCB cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra, đã phát triển đồng bộ cả y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ðáp ứng về cơ bản nhu cầu KCB phổ cập cho nhân dân.

Ðáng chú ý, việc phát triển tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao trong KCB những năm qua đã tạo bước đột phá cho việc tiếp cận và áp dụng kỹ thuật. Nhiều kỹ thuật cao ngang tầm các nước phát triển trong khu vực đã được áp dụng thành công, điển hình như: tách cặp song sinh dính liền nhau phần ngực bụng; ứng dụng rô-bốt định vị trong phẫu thuật cột sống; ghép gan từ người cho chết não; phẫu thuật nội soi thay van tim hai lá. Tại nhiều bệnh viện, kỹ thuật ghép tim, ghép gan, ghép thận, phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch kín, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tế bào gốc đã trở thành kỹ thuật thường quy. Nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, các thầy thuốc Việt Nam đã đóng vai trò người thầy, chuyển giao kỹ thuật cho các nước trên thế giới.

Hệ thống KCB có nhiều đóng góp to lớn trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân, góp phần tăng tuổi thọ bình quân, giảm tỷ lệ tử vong tương đương với các nước có thu nhập cao hơn Việt Nam nhiều lần, công tác KCB không hề thua kém và có nhiều tiến bộ vượt bậc.

Ðể từng bước đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng, hoàn thiện chính sách và công cụ quản lý chất lượng, hàng loạt các giải pháp nâng cao chất lượng KCB đã được triển khai tích cực. Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với 83 tiêu chí cụ thể nhằm thúc đẩy các bệnh viện có các bước cải tiến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng KCB. Ðồng thời, đây cũng là bộ công cụ nhằm đo lường chất lượng bệnh viện, giúp xác định những vấn đề ưu tiên trong cải tiến chất lượng đối với từng bệnh viện. Toàn ngành y tế cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp giảm quá tải bệnh viện như: Ðề án giảm tải bệnh viện; Ðề án bệnh viện vệ tinh, thí điểm mô hình bác sĩ gia đình...

Theo PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc cải cách thủ tục hành chính cũng là khâu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng KCB. Do vậy, phải mất tới mười năm Bệnh viện Bạch Mai mới xây dựng được một quy trình chuẩn. Ðồng thời, xây dựng được tiêu chuẩn ISO tại khoa khám bệnh và nhiều đơn vị khác. Từ quy trình ISO này, bệnh viện chỉ rõ mỗi cán bộ, mỗi vị trí phải làm những gì và bảo đảm thời gian cụ thể. Bệnh viện cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối khoa khám bệnh với khoa lâm sàng, thực hiện cập nhật kết quả các loại xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng qua mạng. Ðồng thời, triển khai chuyển mẫu tự động, mỗi công đoạn giảm một ít, cộng vào là con số không nhỏ, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Bệnh viện cũng thực hiện gắn trách nhiệm cụ thể từng vị trí để mọi người đều cố gắng và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao... Chính bởi những cải cách đó, nếu như từ năm 2009 trở về trước, lượng khám ngoại trú bệnh viện chỉ đạt từ 600 đến 700 nghìn lượt người bệnh/năm; khoa khám bệnh một ngày khám từ 1.500 đến 1.600 người bệnh, đến nay, bệnh viện tăng gấp hai lần số lượng khám ngoại trú nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng tốt và không bị rối loạn.

Nhiều thách thức trong công tác khám, chữa bệnh

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng đặt ra nhiều thách thức với hệ thống y tế. Nhìn nhận thẳng thắn về thực trạng công tác KCB hiện nay, có rất nhiều thách thức đặt ra cần phân tích đầy đủ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó tìm ra các giải pháp ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao chất lượng KCB. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, các thách thức chính là: tình trạng quá tải bệnh viện, đạo đức người thầy thuốc, chất lượng nguồn nhân lực tuyến dưới... Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề quá tải bệnh viện. Ðây là hệ quả của nhiều nguyên nhân được tích lũy trong một thời gian dài, đó là biểu hiện của sự mất cân bằng trong hệ thống do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân cơ bản vẫn là do năng lực chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới còn yếu và không đồng đều, chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập cũng đang là vấn đề nổi cộm. Vẫn còn một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, chưa coi người bệnh là khách hàng, là trung tâm, có thái độ ban ơn.

Một số hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh, gợi ý, gây khó khăn để người bệnh phải cầu cạnh, nhờ vả và phải cảm ơn... Thậm chí có một số hiện tượng công khai gợi ý bồi dưỡng phong bì ngay cả trước khi thực hiện kỹ thuật cho người bệnh. Ðầu tư cho y tế còn khiêm tốn do có những khó khăn khách quan của điều kiện kinh tế đất nước. Trong khi đó, nhìn từ góc độ bên trong thì hệ thống KCB còn có những khiếm khuyết do trải qua một số cải cách nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề đặt ra hiện nay, khi năng lực quản lý của đội ngũ quản lý bệnh viện còn hạn chế, phần nhiều có chuyên môn tốt nhưng chưa được đào tạo quản lý một cách bài bản, chuyên nghiệp; chất lượng nhân lực y tế không đồng đều, một số đối tượng đào tạo chủ yếu là đáp ứng về số lượng, chất lượng còn hạn chế... Vấn đề tài chính cho khám, chữa bệnh còn có nhiều bất cập, nhất là viện phí, các bệnh viện thu không đủ bù chi. Do thiếu nguồn đầu tư cho nên nhiều bệnh viện đã phải huy động từ nguồn xã hội hóa, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng trong việc cấp thuốc, xét nghiệm và làm các kỹ thuật khác...

Chúng ta cần có những nhìn nhận rộng hơn về các nguyên nhân, thách thức sâu xa khác bởi nếu không xem xét một cách thỏa đáng sẽ khó có thể đòi hỏi nâng cao chất lượng KCB một cách nhanh chóng. Ðánh giá một cách thẳng thắn, thì hiện người thầy thuốc chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương không bảo đảm tái đầu tư sức lao động. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chưa tốt làm cho một số ít cơ quan báo chí chưa có được cái nhìn khách quan và đồng cảm với ngành y tế. Sự quan tâm, nhìn nhận của xã hội về nhân cách, đạo đức của người thầy thuốc chưa đầy đủ cả hệ thống mà thường tập trung vào những cá nhân, sự việc tiêu cực trong khi ít có sự đánh giá các nỗ lực, cống hiến của hơn 400 nghìn lao động trong ngành y tế. Cơ chế động viên, khuyến khích cho thầy thuốc còn hạn chế cũng là một thách thức không nhỏ, làm giảm sút tinh thần cống hiến.

Trách nhiệm của ngành y tế là cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân có nhu cầu KCB. Nhưng theo PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), chưa bao giờ ngành y tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Tình trạng quá tải là nguyên nhân lớn dẫn đến sự bức xúc của người bệnh cũng như người thân người bệnh. PGS, TS Nguyễn Trường Sơn cũng mong muốn người dân có văn hóa xếp hàng để cải thiện hình ảnh chen lấn, xô đẩy trong các bệnh viện giờ cao điểm.

Còn theo GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam lại có cái nhìn rộng hơn. Hiện nay, có bốn thách thức chính trong công tác chăm sóc sức khỏe, đó là: chưa gắn kết bệnh tật với đói nghèo; chưa có mô hình y tế tiền lệ phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; một số vấn đề cơ bản của chăm sóc sức khỏe chưa được xác định; chưa xác định cơ chế tài chính của tài chính y tế. KCB là một bộ phận của chăm sóc sức khỏe, những thách thức chung của chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng rất lớn đến KCB.

Tình trạng bệnh tật dẫn đến nghèo đói. Do chưa nhận thức một cách đầy đủ cho nên nhiều cấp ủy Ðảng chưa thật sự quan tâm đến chiến lược chăm sóc sức khỏe (CSSK), coi y tế là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần nên khoán trắng cho ngành y tế. Do không gắn vấn đề CSSK với xóa đói, giảm nghèo cho nên chưa chú trọng đầu tư cho CSSK. Chính vì vậy, chăm sóc sức khỏe tốt không chỉ là khám, chữa bệnh tốt mà còn phải góp phần làm cho người dân không bị nghèo hóa. Nếu thầy thuốc kê đơn thuốc gồm những loại thuốc không cần thiết và đắt tiền hoặc thầy thuốc chỉ định một xét nghiệm không cần thiết và đắt tiền thì chính thầy thuốc đó là người gây ra nghèo đói cho người bệnh.

Việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN làm cho mô hình y tế cũng chưa có tiền lệ, việc chuyển từ hình thức bao cấp sang kinh tế thị trường dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong khi mô hình bao cấp triệt để không còn phù hợp thì kinh tế thị trường cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, nhất là biểu hiện khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; cơ cấu y tế bị méo mó do chạy theo lợi nhuận, thầy thuốc phải mưu sinh, lợi ích đa dạng, đa chiều và phức tạp... Vì vậy, cần đổi mới giáo dục y đức hiện nay. Phải kết hợp giáo dục y đức và nâng cao tính chuyên nghiệp trong y học.

Tình trạng thương mại hóa CSSK ngày càng rõ nét, khi nhiều nơi chỉ biết phát triển công nghệ cao mà quên mất lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở, coi nhẹ các phong trào trong CSSK. Nhiều bệnh viện vẫn không phát huy mặt mạnh của cơ chế thị trường, còn ỷ lại vào ngân sách nhà nước, không năng động trong tạo nguồn kinh phí cho y tế; luẩn quẩn với cơ chế bao cấp, trì trệ trong quản lý; chưa thấy rõ mối quan hệ giữa những đòi hỏi của nghề nghiệp y tế và lợi ích của cán bộ y tế.

Sẻ chia trách nhiệm để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Việc vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước nâng cao chất lượng KCB được ngành y tế xác định là một trong những nhiệm vụ chính trong những năm tới. Theo đó, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về KCB, thực hiện quyết liệt các đề án đã đề ra. Trước hết, cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí cũng như chế độ bảo hiểm y tế... Hoàn thiện Chương trình hành động Quốc gia nhằm nâng cao chất lượng KCB. Tăng cường giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao vị thế và hình ảnh người thầy thuốc...

GS, TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, Viện Trưởng Huyết học- Truyền máu T.Ư khẳng định, sự hy sinh của cán bộ y tế và sự cống hiến của họ là hết sức to lớn, đáng ghi nhận. Nhưng nghề y là nghề đặc thù có rất nhiều tai nạn nghề nghiệp, rất có thể có sai sót, không thể nói trước được điều gì. Tại tất cả các nước trên thế giới đều có sai sót y khoa, quan trọng là khi sai sót xảy ra phải biết cách xử lý, khắc phục.

Theo TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cần đẩy mạnh xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nhất là góp phần nâng cao chất lượng KCB. Sau khi phân tích một số bất cập, TS Lê Bá Trình đề xuất một số giải pháp cụ thể. Theo đó, chấn chỉnh các hoạt động xã hội hóa ở cơ sở y tế công lập cùng với việc rà soát, bổ sung và điều chỉnh chính sách theo hướng vừa khuyến khích vừa quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ phục vụ công tác khám, chữa bệnh của nhân dân. Minh bạch hóa các hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh công lập; khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến huyện, vùng miền núi phục vụ đồng bào dân tộc. Tuyên truyền, vận động tạo nên hiệu ứng xã hội, bài trừ những tệ nạn tiêu cực trong ngành y. Khắc phục tình trạng "phong bì" đi đôi với tôn vinh y đức của người thầy thuốc ở các cơ sở KCB.

Ðến dự buổi tọa đàm với tư cách một người bệnh, GS Ðinh Xuân Dũng cho rằng, để nâng cao chất lượng KCB cần có sự đột phá để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, người dân cần có sự thông cảm cho các y sĩ, bác sĩ khi tình trạng quá đông người bệnh tạo áp lực cho bác sĩ, trong thời gian vài phút khám để phát hiện ra các loại bệnh là hết sức phi lý. Theo GS Ðinh Xuân Dũng, về lĩnh vực y tế cần có ba yếu tố đó là: Sự sẻ chia của người bệnh cùng với tài năng của bác sĩ và "tiếng nói" của máy móc. Sự kết hợp của ba yếu tố đó sẽ phát huy được hiệu quả kỳ diệu trong việc KCB.

Dưới góc độ truyền thông, nhà báo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thời gian qua, nhất là năm 2013, với nhiều vụ việc nổi cộm được báo chí thông tin đa chiều, nhưng đôi khi gay gắt, mà nhiều người cho là "không công bằng" với một ngành có hơn 400 nghìn cán bộ, trong đó phần lớn đều hết lòng và tận tâm chăm sóc người bệnh. Hiện nay, thông tin về y tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Thông tin là nhu cầu của cuộc sống, cho nên chắc chắn con số đó không nhỏ, tác động lan tỏa của nó cũng không nhỏ. Thật tai hại nếu đó là thông tin sai, không đúng sự thật, không tính tới lợi ích chung của xã hội. Thế nhưng, trong hoạt động báo chí, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay vẫn còn có những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vi phạm của báo chí không gây chết người ngay tức khắc, nhưng có khi có tác động rất sâu xa, không thể lường trước, gây tác hại lớn không kém. Báo chí luôn đồng hành cùng ngành y tế. Nhưng cách thông tin về một số vụ việc thời gian qua có thể dẫn đến "khủng hoảng" niềm tin, bất lợi về mặt xã hội.

Do vậy, để tăng cường hơn nữa lượng thông tin đầy đủ, toàn diện cho phóng viên để họ có cái nhìn khách quan, không phiến diện trong quá trình tác nghiệp, cần có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ từ hai phía, nhà báo phải có tâm, trau dồi thêm kiến thức, tìm hiểu sâu hơn và thận trọng hơn về lĩnh vực nhạy cảm này khi đặt bút viết tin, bài. Ngành y tế cần chủ động cung cấp thông tin, ngoài định hướng chiến lược truyền thông lâu dài, cần có phương án xử lý thông tin một cách bài bản và nhất quán hơn khi xảy ra những sự việc đột xuất ngoài ý muốn...

Ngành y tế cần quan tâm hơn nữa đến việc cung cấp thông tin, thực hiện tốt quy chế cung cấp thông tin, quy chế phát ngôn, bảo đảm cho phóng viên biết sớm, biết đủ, biết chính xác nội dung cần thông tin tới độc giả. Có điều chắc chắn là ngành y không đơn độc trong việc giáo dục và nâng cao y đức. Cùng với cả hệ thống chính trị, báo chí thông qua sản phẩm thông tin của mình, dù thuận chiều hay trái chiều, đang tham gia vào việc giáo dục và nâng cao y đức. Xã hội thông cảm với cái khó của ngành y, nhưng công chúng có quyền mong muốn ngành y nỗ lực hơn nữa, nhất là về mặt y đức.

Phát biểu ý kiến kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Trách nhiệm nâng cao chất lượng KCB là của ngành y tế nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của xã hội, trong đó cả hệ thống chính trị. Trách nhiệm trong KCB phía trước vẫn còn nặng nề mà vấn đề cơ bản nhất là chất lượng phải gắn với y lý, y đức, y thuật và y nghiệp. Tức là thầy thuốc giỏi nhưng đồng thời phải đặt y đức lên hàng đầu thì mới toàn diện. Bộ trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ tai biến y khoa không thể nào tránh khỏi, kể cả những nước đang phát triển, còn đối với ngành y tế thì với hơn 400 nghìn cán bộ, một năm khám, điều trị cho hơn 120 triệu lượt người bệnh, chắc chắn không tránh khỏi sự rủi ro trong nghề nghiệp.

Ðể chia sẻ trách nhiệm, theo Bộ trưởng Y tế, có ba đối tượng chính là ngành y tế, các nhà báo và người dân. Trong đó, việc cung cấp thông tin cho nhà báo từ phía ngành y tế chưa chủ động, chưa đủ và chưa chính xác, dễ hiểu. Vì vậy người đứng đầu ngành y tế đề nghị lãnh đạo các vụ, cục cung cấp số điện thoại cá nhân cho các nhà báo để khi nhà báo gọi điện hay nhắn tin thì phải trả lời và tăng cường sự giao lưu giữa các cơ quan quản lý và các nhà báo. Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà báo, cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh một cách trung thực, khách quan, bởi mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta là phục vụ nhân dân. Bộ trưởng mong mọi người dân chia sẻ, thông cảm và yêu thương những người thầy thuốc.

NGUỒN: BỘ Y TẾ

NHÓM PHÓNG VIÊN BAN KHOA GIÁO

Thông tin mới nhất




Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !