Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hải Phòng
CÁC LIỆU PHÁP TÂM LÝ TRIỂN KHAI TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HẢI PHÒNG

Xã hội ngày càng phát triển và thay đổi, áp lực từ sự thay đổi và phát triển đó tác động rất lớn đến mỗi người chúng ta. Nếu tác động đó quá mức hoặc lệch hướng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của mỗi người. Liệu pháp tâm lý là một trong những phương pháp điều trị ngày càng phổ biến giúp cải thiện các vấn đề tâm lý, tâm thần trong cuộc sống.

1. Khái niệm về liệu pháp tâm lý

Ngay từ thời xa xưa, con người đã biết cách tác động lên tâm lý nhằm mục đích chữa bệnh. Tuy nhiên do khoa học chưa phát triển nên khi đó, các hình thức tác động chủ yếu dưới dạng mê tín. Sau này xuất hiện thêm các biện pháp tác động dựa theo niềm tin tôn giáo. Ở Việt Nam cha ông ta đã có câu: “Tâm bệnh cần có tâm dược.” Mặc dù việc tác động lên tâm lý của người bệnh nhằm mục đích chữa bệnh đã có từ rất sớm.

Trong Y học, đã từ lâu các thầy thuốc đông, tây y cũng đã biết cách tác động lên tâm lý để chữa bệnh. Hyppocrate, người được coi là ông tổ của nghề y ở các nước châu Âu đã nói rằng, hành trang của thầy thuốc bao gồm 3 thứ: con dao, ngọn cỏ và lời nói.

Điều trị tâm lý theo góc độ khoa học chỉ bắt đầu vào cuối thế kỉ 18, khi mà Mesmer (1734 – 1815), bác sĩ người Áo, sử dụng thôi miên để chữa bệnh. Tuy vậy cũng phải đến thế kỉ 20, liệu pháp tâm lý mới thực sự phát triển. Đặc biệt sự phát triển của tâm lý học đã tạo ra những cơ sở khoa học mới cho liệu pháp tâm lý. Xuất hiện thêm nhiều kĩ thuật liệu pháp mới, đồng thời liệu pháp tâm lý không còn bó hẹp trong lâm sàng tâm thần mà đã mở rộng phạm vi sang các lâm sàng nội, ngoại khoa khác. Tính chất của liệu pháp tâm lý cũng dần thay đổi: từ chữa trị mở rộng sang cả hỗ trợ, tăng cường.

Như vậy có thể định nghĩa: Liệu pháp tâm lý là những biện pháp tác động lên tâm lý người bệnh một cách có kế hoạch, có tổ chức nhằm mục đích cải thiện và tăng cường sức khỏe tâm lý cho người bệnh. 

 

Trước kia, đối tượng của các liệu pháp tâm lý thường là người lớn, thường được áp dụng trong điều trị các vấn đề trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn nhân cách. Nhưng hiện nay, đối tượng phạm vi của nó đã được mở rộng hơn rất nhiều, ví dụ: các rối loạn của trẻ em và thanh thiếu niên (tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển tâm thần...), vấn đề về giới tính, tính dục, hỗ trợ trong điều trị nghiện chất, trị liệu trước khi điều trị phẫu thuật, sinh sản, điều trị hóa dược với một số bệnh lý cơ thể gây áp lực lớn về mặt tâm lý, tâm thần cho người bệnh, hỗ trợ trong điều tra tội phạm...

Trị liệu tâm lý có thể được sử dụng đơn độc hoặc có thể kết hợp với điều trị thuốc và một số liệu pháp khác nhằm tăng hiệu quả điều trị.

         2. Vai trò của liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là sự tương tác giữa nhà trị liệu với người bệnh, thiết lập mối quan hệ giữa các cá nhân đặc biệt để hỗ trợ người cần hỗ trợ tâm lý giải quyết các vấn đề tâm lý, giảm những trải nghiệm đau đớn, chữa hoặc hỗ trợ một số rối loạn tâm thần, thúc đẩy sức khỏe tâm thần và củng cố tâm lý cá nhân.

Các tác động chính của các liệu pháp tâm lý hiện nay:

- Giúp người bệnh hiểu, nhận thức tốt hơn về bản thân, chấp nhận các vấn đề của bản thân, sự cần thiết của việc điều trị, chấp nhận điều trị.

- Giúp người bệnh tìm giải pháp cho vấn đề của bản thân. Giảm nhẹ hoặc loại bỏ các triệu chứng tâm lý tiêu cực (lo âu, căng thẳng, sợ hãi, ám ảnh...). Thay đổi cảm xúc, nhận thức hoặc những hành vi kém thích ứng, lệch lạc.

- Giúp người bệnh tăng khả năng ứng phó với các vấn đề bản thân gặp phải, những tác động, áp lực từ cuộc sống, cải thiện vấn đề nhân cách, hành vi, phục hồi và nâng cao giá trị bản thân người bệnh.

- Củng cố, nâng cao ý thức giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng.

Nói đến trị liệu tâm lý, bạn cần phân biệt, trị liệu tâm lý khác với tư vấn tâm lý.

         3. Phân biệt tư vấn tâm lý và trị liệu tâm lý

Tư vấn tâm lý

Trị liệu tâm lý

Đối tượng tham gia: nhà tư vấn – người cần tư vấn (thường chỉ 1 người bệnh -1 người tư vấn tâm lý)

+ Phương pháp tác động: giao tiếp ngôn ngữ

+ Cách giải quyết: đưa ra các phương án, lựa chọn, giúp đối tượng hiểu và điều chỉnh vấn đề, đưa ra lời khuyên, sự đánh giá, hay chỉ dẫn đối tượng cách đánh giá và kiểm soát bản thân.

 

 

Đối tượng tham gia: nhà trị liệu – cá nhân/nhóm/cộng đồng

+ Phương pháp tác động: giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ; kết hợp điều trị hóa dược và một số biện pháp khác

+ Cách giải quyết: giúp người bệnh hiểu, chấp nhận vấn đề của bản thân, chỉ dẫn, đưa ra lời khuyên, phương pháp giải quyết vấn đề phù hợp với người bệnh, giúp người bệnh thích nghi với những sự thay đổi; thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hành vi kém thích ứng hoặc sai hướng của bản thân, cải thiện cái tôi của bản thân người bệnh, tăng khả năng ứng phó của người bệnh trước các vấn đề tác động

         4. Triển khai các liệu pháp tâm lý tại bệnh viện tâm thần Hải Phòng

 Bệnh viện tâm thần Hải Phòng là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 tuyến thành phố, với 299 giường bệnh thực kê, đội ngũ thầy thuốc với 3 Tiến sỹ, 8 bác sỹ chuyên khoa cấp II, và các thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp 1 khác.

Về Trị liệu tâm lý: bệnh viện có khoa Tâm căn thư giãn với 35 giường bệnh gồm 03 bác sỹ có chuyên môn sâu về lĩnh vực tâm lý trị liệu + 3 kỹ thuật viện về trị liệu tâm lý.

Bệnh viện hiện đang triển khai được 07 kỹ thuật về trị liệu tâm lý:

+ LIỆU PHÁP ÁM THỊ:

Có 3 loại ám thị chính:

- Ám thị khi thức

- Ám thị trong thôi miên

- Tự ám thị.

+ LIỆU PHÁP GIẢI THÍCH HỢP LÝ

Dùng những lời lẽ logic để giải thích cho bệnh nhân, giúp họ điều chỉnh lại các mối quan hệ và hệ thống thái độ của nhân cách cho phù hợp

+ LIỆU PHÁP KÍCH HOẠT HÀNH VI ( BA)

Nhằm mục đích :

- Làm gia tăng sự tham gia trong các hoạt động thích ứng (thường liên quan đến trải nghiệm vui thú hoặc làm chủ),

- Làm giảm sự tham gia trong các hoạt động làm duy trì bệnh tâm thần hoặc làm tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần,

- Giải quyết các vấn đề làm hạn chế sự tiếp cận với sự tưởng thưởng, hoặc duy trì hay làm tăng sự kiểm soát cảm giác khó chịu.

+ LIỆU PHÁP NHẬN THỨC HÀNH VI

Phương pháp điều trị này đạt được 6 mục tiêu được xác định rõ ràng:

- Bệnh nhân (BN) phải nhận thức được những suy nghĩ tiêu cực tự động của mình.

- BN phải nhận ra mối quan hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình.

- BN phải học cách đặt câu hỏi về những suy nghĩ tự động của mình và kiểm tra tính hợp lệ của chúng.

- Sau đó, BN phải thay thế những suy nghĩ tự động quá tiêu cực của bản thân bằng những cách diễn giải thực tế hơn.

- Đến khi kết thúc liệu trình, BN phải xác định và sửa đổi được các “sơ đồ rối loạn” nhận thức của mình.

- Nhà trị liệu giao cho BN các nhiệm vụ có liên quan đến những vấn đề hiện tại.

+ LIỆU PHÁP TÂM LÝ GIA ĐÌNH

Thầy thuốc là người hỗ trợ, giúp cho gia đình có đủ khả năng đối phó, giải quyết những vấn đề của họ. Người thầy thuốc sử dụng các kiến thức chuyên môn của mình, giúp cho từng thành viên xây dựng lại hệ thống thái độ của mỗi thành viên trong gia đình của mình.

+ LIỆU PHÁP THƯ GIÃN – LUYỆN TẬP

 Áp dụng vào việc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa hay căng thẳng, đặc biệt là stress, mất ngủ, trầm cảm … Đây là liệu pháp được cải biên từ phương pháp Schultz kết hợp với 1 số tư thế Yoga và thở kiểu khí công để phù hợp với tâm sinh lí của con người Việt Nam.

+ LIỆU PHÁP TÂM KỊCH

Một phương pháp tâm bệnh học với mục đích:

- Tháo gỡ những vướng mắc trong cơ thể do những nếp quen, nhiễm tập.

- Tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng nhận thức.

- Tháo gỡ những vướng mắc về cảm xúc, tình cảm…

Bệnh viện tâm thần Hải Phòng là một cơ sở uy tín và có kinh nghiệm lâu năm trong các vấn đề tâm thần, tâm lý, bạn hãy đến với chúng tôi để có một cuộc sống tâm thần khỏe mạnh

- Bạn có thể đến bệnh viện trị liệu tâm lý trong thời gian từ 30 phút – 120 phút/ngày (tùy loại trị liệu) trong 1 liệu trình từ 1-2 tuần, trong giờ hành chính

- Với người bệnh nội trú được điều trị kết hợp trị liệu tâm lý với hóa dược.

Thông tin mới nhất




Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !