Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hải Phòng
Chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 Không thể chủ quan !

         Đại dịch COVID -19 chưa kết thúc nhưng để lại khoảng 200 di chứng đối với những người từng mắc bệnh này, trong đó có các di chứng liên quan tới rối loạn tâm thần với các biểu hiện từ nhẹ đến nặng, như: mất ngủ, stress, lo âu, trầm cảm, thậm chí có hành vi tự tử. Đây được cho là một trong những di chứng ảnh hưởng nặng nề nhất tới sức khỏe của người bệnh hậu COVID-19. TS.BS Đàm Đức Thắng, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Hải Phòng trò chuyện với phóng viên Báo Hải Phòng cuối tuần chung quanh các loại rối loạn tâm thần sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và phương pháp điều trị.

         Trong hơn 3 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Hải Phòng, dẫn đến việc có nhiều người bị di chứng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Vậy bác sĩ cho biết tỷ lệ người bệnh bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19 đến khám, nhập viện điều trị tại bệnh viện như thế nào?

         - Thời điểm 3 tháng đầu năm 2022 là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Hải Phòng. Có thời điểm, số lượng ca mắc mới ghi nhận trên địa bàn thành phố lên tới hàng nghìn ca/ngày. Điều đáng nói, COVID-19 để lại nhiều di chứng với người bệnh sau khi mắc, trong đó có các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần. Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, tỷ lệ người đến khám bệnh rối loạn tâm thần hậu COVID-19 tăng đáng kể trong các tháng 2, 3, 4, trong đó mất ngủ chiếm tỷ lệ cao nhất 20% trong tổng số người bệnh đến khám bệnh, còn tỷ lệ người bệnh bị trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn sự thích ứng chiếm khoảng 7-9%. Tuy nhiên, số lượng người bệnh đến khám tại phòng khám tư nhân, khám các chuyên khoa khác vì lý do lo ngại xã hội kỳ thị với bệnh tâm thần cao gấp nhiều lần.

         Nhắc tới rối loạn tâm thần hậu COVID-19, người ta hay nhắc tới rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn thích ứng. Trước hết, bác sĩ có thể nói rõ hơn về biểu hiện, nguyên nhân và phương pháp điều trị rối loạn stress sau sang chấn?

         - Rối loạn stress sau sang chấn là rối loạn xảy ra với những người mắc COVID-19 mức độ nặng, ốm “thập tử nhất sinh”, những người có người thân trong gia đình bị tử vong do COVID-19 và những người (nhân viên y tế, người tình nguyện) phải chứng kiến người bệnh tử vong do COVID-19. Biểu hiện là người bệnh thường hồi tưởng, thậm chí có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn. Các triệu chứng khác bao gồm những ký ức đau buồn hay những giấc mơ và những phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với người bệnh COVID-19 hoặc với những người tử vong do COVID-19. Nhiều người bệnh bị rối loạn stress sau sang chấn thường tìm kiếm và sưu tập bừa bãi các sự kiện, bài báo, video liên quan đến COVID-19. Lại có trường hợp người bệnh tránh các suy nghĩ hoặc các hoạt động liên quan đến COVID-19, giảm khả năng ghi nhớ, cảm giác bị bỏ rơi hoặc không có tương lai. Họ luôn có cảm giác bất an về tương lai, luôn sợ khó kết hôn, không có con, không có cuộc sống gia đình bình thường. Các triệu chứng của tăng kích thích bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác và giật mình. Người bệnh khó ngủ hoặc khó vào giấc ngủ, họ hay cáu gắt quá mức, luôn than phiền khó tập trung chú ý. Điều cần lưu ý là rối loạn stress sau sang chấn được coi là cấp tính nếu các triệu chứng kéo dài dưới 3 tháng, khi rối loạn này kéo dài trên 3 tháng thì gọi là mạn tính.

         Để điều trị rối loạn stress sau sang chấn, người bệnh thường được điều trị kết hợp hóa dược với các liệu pháp tâm lý. Trong đó, với hóa dược, các bác sĩ cho người bệnh dùng thuốc chống trầm cảm SSRI (sertralin, fluvoxamin, paroxetin, fluoxetin). Hiệu quả tối đa của thuốc xuất hiện sau 12 tuần điều trị. Tuy nhiên rối loạn stress sau sang chấn cần được điều trị lâu dài, từ 6-18 tháng. Thuốc SSRI có ưu điểm là dung nạp tốt, hiệu quả cao, chỉ cần uống một lần mỗi ngày. Còn các liệu pháp tâm lý, như: liệu pháp nhận thức hành vi, kích hoạt hành vi theo một liệu trình từ 2-3 tuần.

          Còn đối với rối loạn thích ứng thì biểu hiện và cách điều trị cụ thể như thế nào, thưa bác sĩ?

         - Về rối loạn thích ứng được định nghĩa là do chấn thương tâm lý gây ra. Chấn thương tâm lý ở đây chính là đại dịch COVID-19. Các triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện ngay sau khi có chấn thương tâm lý mà có thể các triệu chứng xuất hiện sau 3 tháng bị chấn thương tâm lý. Các triệu chứng của bệnh không phải lúc nào cũng giảm đi ngay khi dịch bệnh COVID - 19 kết thúc. Nếu dịch bệnh COVID - 19 tiếp tục diễn ra, rối loạn có thể trở thành mạn tính. Rối loạn thích ứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và các triệu chứng của nó rất khác nhau. Các đặc điểm của trầm cảm, lo âu và hỗn hợp phổ biến nhất ở người lớn. Các triệu chứng về cơ thể phổ biến nhất ở trẻ em và người cao tuổi. Các biểu hiện cũng có thể bao gồm hành vi tấn công và lái xe thiếu thận trọng, uống rượu quá mức, không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ và tự tử. Có 2 rối loạn sự thích ứng hay gặp là rối loạn thích ứng với trầm cảm và rối loạn thích ứng với lo âu.

         Trong rối loạn thích ứng với trầm cảm, các triệu chứng biểu hiện rất giống với trầm cảm nội sinh (trầm cảm chủ yếu), nhưng chúng xuất hiện sau đại dịch COVID-19. Người bệnh luôn có vẻ mặt ngơ ngác, đau khổ, họ mất hết các sở thích vốn có; luôn biểu hiện bi quan, chán nản, mất hết hy vọng vào tương lai; luôn than phiền khó vào giấc ngủ, ngủ rất ít, không sâu giấc và dậy rất sớm. Buổi sáng, người bệnh hay than phiền mệt mỏi, mất năng lượng nên không muốn làm gì; chán ăn, ăn ít, mất cảm giác ngon miệng và sút cân. Ngoài ra, người bệnh cũng dễ nổi cáu, hay buồn vô cớ, lo lắng quá mức và có thể có ý định và hành vi tự sát. Các triệu chứng này thường bền vững trong nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, sinh hoạt của người bệnh, khiến chất lượng cuộc sống của họ rất thấp. Để điều trị rối loạn thích với trầm cảm, cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc bình thần hoặc thuốc an thần mới. Thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là sertralin và paroxetin. Hai thuốc này ít tác dụng phụ (chủ yếu là khô mồm, đắng miệng, đầy bụng, uể oải trong tuần đầu dùng thuốc), tác dụng điều trị xuất hiện tốt và tình trạng người bệnh được cải thiện chỉ sau 2 - 3 tuần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần phải uống thuốc tối thiểu 6 tháng để có thể khỏi hẳn rối loạn này.

         Đối với rối loạn thích ứng với lo âu, người bệnh luôn trong tình trạng lo lắng quá mức không thể kiểm soát. Tình trạng lo âu này xuất hiện cả ngày (từ khi thức giấc đến khi ngủ), kéo dài nhiều tháng khiến cho cuộc sống của người bệnh bị thay đổi trầm trọng. Họ than phiền khó vào giấc ngủ, khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ, đầu óc trống rỗng, dễ mệt khi phải suy nghĩ. Ngoài ra, họ còn có các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như hồi hộp, đánh trống ngực, vướng ở cổ (hòn ở cổ), khô miệng, đầy bụng, cơn nóng bừng mặt hoặc lạnh buốt, mót đi tiểu (đái dắt), đi ngoài táo lỏng thất thường, run tay, căng cơ, đau mỏi vùng cổ, vai, gáy... Để điều trị rối loạn thích ứng với lo âu, cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần mới. Thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là sertralin và escitalopram. Hai thuốc này ít tác dụng phụ và dung nạp tốt. Tác dụng điều trị xuất hiện sau 4 - 8 tuần điều trị. Để tăng hiệu quả điều trị rối loạn thích ứng với lo âu, người ta phối hợp với một số thuốc an thần mới liều thấp (olanzapin, quetiapin, aripiprazol...). Người bệnh cần phải uống thuốc tối thiểu 12 tháng để tránh tái phát rối loạn này.

         Bác sĩ có lời khuyên như thế nào đối với người bệnh sau khi mắc COVID-19 có các biểu hiện rối loạn tâm thần?

         - Chúng tôi khuyến khích người bệnh tập thư giãn hằng ngày (mỗi ngày khoảng 20 phút) để giảm các triệu chứng cơ thể do lo âu, căng thẳng, trầm cảm gây ra hoặc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hoặc tùy vào tình hình sức khỏe để lựa chọn tập thể dục thể thao phù hợp, điều độ (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…)... Bên cạnh đó, xác định và đối phó với nỗi lo buồn được khuếch đại có thể làm giảm được các triệu chứng lo âu, trầm cảm, bao gồm: xác định các mối lo âu, trầm cảm bị khuếch đại hoặc có ý nghĩa bi quan và thảo luận cách đối đầu với mối lo sợ bị cường điệu khi chúng xuất hiện; gặp gỡ nhà tâm lý, các nhân viên y tế để học cách chăm sóc người bệnh bị nhiễm COVID-19; thảo luận với những người khác về các biện pháp giúp phục hồi sức khỏe sau COVID-19; viết ra kế hoạch để phòng tái nhiễm COVID-19. Ngoài ra, người bệnh nên chăm sóc giấc ngủ, luyện tập hít thở sâu... Khi thấy các dấu hiệu nặng như kể trên, cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, điều trị bằng các phương pháp phù hợp.

         - Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

p/s: Việt Hoàng thực hiện

Thông tin mới nhất




Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !