Đào Tạo, Cập Nhật Kiến Thức: Nâng Cao Kỹ Năng Giao Tiếp, Ứng Xử Cho Nhân Viên Y Tế Bệnh Viện Tâm Thần Hải Phòng.
TẤT CẢ VÌ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI BỆNH!
Việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử của nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và nâng cao chất lượng bệnh viện. Điều đó càng thể hiện rõ ràng hơn đối với chuyên khoa Tâm thần khi người bệnh mà bệnh viện phục vụ đa số có các vấn đề về sức khỏe tinh thần như: lo âu, căng thẳng, buồn chán, tự ti, bi quan,…
Kỹ năng giao tiếp tốt giúp các chuyên gia y tế xây dựng mối quan hệ tin cậy với người bệnh. Khi người bệnh cảm thấy an toàn và được tôn trọng, họ sẽ dễ dàng chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều đó giúp các nhà trị liệu hiểu rõ hơn về tình trạng tâm lý của người bệnh, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị phù hợp.
Ts.Bs Đàm Đức Thắng - PGĐ bệnh viện phát biểu bày tỏ sự quan tâm, chú trọng của ban lãnh đạo bệnh viện trong việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho nhân viên trong bệnh viện
Đồng thời, khi người bệnh cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng, họ sẽ có động lực hơn để tham gia vào quá trình điều trị, từ việc tuân thủ phác đồ điều trị đến việc tham gia vào các hoạt động trị liệu. Giao tiếp tốt có thể giúp giảm lo âu và căng thẳng cho người bệnh. Việc được giải thích rõ ràng về quá trình điều trị và những vấn đề liên quan sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Xuất phát từ thực tế trên, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng phối hợp với Trường Đại học Y dược Hải Phòng tổ chức 02 lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho toàn bộ nhân viên y tế bệnh viện. Giảng viên tham gia giảng dạy là Tiến sĩ Trần Thơ Nhị - Phó Trưởng Bộ môn Y đức và Tâm lý Y học – Trường Đại học Y Hà Nội.
T.s Trần Thơ Nhị - Phó trưởng bộ môn Y đức và Tâm lý y học - Trường đại học y Hà Nội với bài giảng KỸ NĂNG GIAO TIẾP ỨNG XỬ TRONG MÔI TRƯỜNG BỆNH VIỆN
Nội dung khóa đào tạo bao gồm:
- Giới thiệu về giao tiếp, ứng xử trong môi trường bệnh viện: Tầm quan trọng và các yếu tố ảnh hưởng đến giao tiếp.
- Kỹ năng lắng nghe và phản hồi: Các phương pháp lắng nghe hiệu quả và cách phản hồi tích cực.
- Kỹ năng ứng xử với bệnh nhân: Cách tiếp cận và giao tiếp với bệnh nhân tâm thần, nhấn mạnh sự nhạy cảm và tôn trọng.
- Giải quyết xung đột: Các tình huống thực tế và cách xử lý hiệu quả.
- Thực hành tình huống: Các bài tập tình huống thực tế để nhân viên có thể áp dụng kiến thức đã học.
Một tình huống giả định về giao tiếp ứng xử với người bệnh trầm cảm tại buổi học
Sau thời gian học tập nghiêm túc, toàn bộ nhân viên y tế bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc khóa học, hứa hẹn sẽ vận dụng thành thạo những kỹ năng mới nhất, tốt nhất vào quá trình giao tiếp và ứng xử, nhằm mục tiêu hướng tới sự hài lòng toàn diện của người bệnh.