Sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất là một con đường hai chiều. Khi chúng ta già đi, sức khỏe thể chất dần suy giảm, vấn đề này gây nhiều tác động đến tâm lý và cảm xúc của người cao tuổi.
Không ít người cao tuổi có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng rối loạn tâm thần là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn người cao tuổi vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống, dù họ có thể đang phải đối mặt với bệnh tật hoặc suy giảm thể chất.
Tuy nhiên, những thay đổi lớn trong cuộc sống như mất người thân, nghỉ hưu hay mắc bệnh nặng có thể khiến người cao tuổi rơi vào trạng thái buồn bã, lo âu hoặc căng thẳng. Dù nhiều người có thể thích nghi dần với những biến động này, nhưng cũng có không ít người gặp khó khăn trong việc cân bằng lại tinh thần, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc các rối loạn như trầm cảm hoặc lo âu kéo dài.
Một thực tế đáng lo ngại là sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi thường bị bỏ qua hoặc hiểu sai. Ví dụ, nhiều người cho rằng những triệu chứng của bệnh trầm cảm như: buồn bã, hay quên hay mất hứng thú là “chuyện bình thường của tuổi già”, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Thêm vào đó, sự kỳ thị trong xã hội và khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng là những rào cản lớn.
Bệnh viện luôn chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.
Vì sao sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi lại là vấn đề đáng quan tâm
Dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Từ năm 2015 đến 2050, số người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi – từ khoảng 900 triệu lên đến 2 tỷ người. Đây là một xu hướng toàn cầu, và đi kèm với nó là những vấn đề cần được nhận diện và giải quyết, trong đó có sức khỏe tâm thần.
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi tại Bệnh viện.
Theo thống kê, cứ 4 người cao tuổi thì có 1 người gặp phải vấn đề về tâm thần. Các rối loạn phổ biến nhất gồm:
- Trầm cảm
- Mất trí nhớ (sa sút trí tuệ)
- Lo âu
- Lạm dụng rượu, thuốc lá, thuốc ngủ
- Căng thẳng kéo dài
- Ý định tự tử – đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ tự tử ở người từ 85 tuổi trở lên đang cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi, tiếp theo là nhóm từ 75–84 tuổi.
Bệnh viện luôn chú trọng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.
Một số dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm thần ở người cao tuổi bao gồm:
- Thay đổi rõ rệt về tâm trạng hoặc mức năng lượng
- Thay đổi thói quen ăn uống hoặc giấc ngủ
- Tránh né người thân, bạn bè hoặc các hoạt động từng yêu thích
- Dễ cáu giận, hay quên, lo lắng, bối rối hoặc sợ hãi quá mức
- Cảm thấy vô vọng, thờ ơ, không thiết tha với mọi việc
- Đau nhức không rõ nguyên nhân
- Dùng rượu, thuốc lá hoặc thuốc ngủ nhiều hơn bình thường
- Xuất hiện những ý nghĩ lặp lại, ký ức ám ảnh không thể quên
- Nghe thấy tiếng nói hoặc tin vào những điều không đúng sự thật
- Có ý định tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác
Bác sĩ đang thăm khám định kỳ cho bệnh nhân 82 tuổi tại Khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện.
Chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ là điều rất quan trọng
Nếu bạn nghĩ rằng bản thân hoặc người thân lớn tuổi có dấu hiệu của rối loạn tâm thần, đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ!
Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng là bệnh viện chuyên khoa tâm thần hạng 1 tuyến thành phố, có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên môn cao, sử dụng các phương pháp điều trị khoa học bao gồm: liệu pháp tâm lý (trò chuyện, tư vấn) và/hoặc điều trị bằng thuốc. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ chăm sóc chính để được tư vấn ban đầu.
Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi tại Bệnh viện.
Quan tâm tới sức khỏe tâm thần của người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, mà còn là sự thể hiện của tình yêu thương và sự tôn trọng dành cho những người đã đi qua phần lớn cuộc đời.