RỐI LOẠN TIC Ở TRẺ EM: Khi những cử động không kiểm soát ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ
Bạn có từng thấy một đứa trẻ thường xuyên nháy mắt, giật đầu, khịt mũi hay phát ra những âm thanh lạ mà không rõ nguyên nhân? Những hành động tưởng như "vô thức" đó có thể là biểu hiện của rối loạn Tic – một trong những rối loạn vận động phổ biến nhất ở trẻ em.
Rối loạn Tic (Tic Disorder) là tình trạng xuất hiện các cử động hoặc âm thanh lặp đi lặp lại, không chủ ý và không kiểm soát được. Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì gọi là Tic vận động, còn nếu xảy ra ở cơ quan phát âm thì gọi là Tic âm thanh.
Tình trạng này thường khởi phát sớm, phổ biến nhất trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi, đạt mức nghiêm trọng nhất khi trẻ từ 10 đến 12 tuổi. Đáng chú ý, khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi đi học từng trải qua các biểu hiện của rối loạn Tic. Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần khi bước vào tuổi dậy thì, và hầu hết sẽ tự biến mất khi trưởng thành. Chỉ khoảng 1% trường hợp, các tic tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Mặc dù đa phần các Tic là lành tính, nhưng nếu kéo dài và xuất hiện thường xuyên, chúng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, mất tự tin, gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Nhiều trường hợp còn đi kèm với các rối loạn tâm thần kinh khác, đôi khi nghiêm trọng hơn cả triệu chứng Tic.
Các biểu hiện tic rất đa dạng:
- Tic đơn giản thường là những cử động hoặc âm thanh ngắn, như nháy mắt, nhăn mặt, giật đầu, nhún vai, khịt mũi hoặc lầm bầm.
- Tic phức tạp có thể là sự kết hợp của nhiều Tic đơn giản, hành động mô phỏng người khác, sử dụng cử chỉ hoặc lời nói mang tính khiêu dâm, thô tục. Một số trẻ có thể mắc chứng nhại động tác (bắt chước hành vi người khác), nhại lời (lặp lại lời người khác), hoặc nói tục không kiểm soát.
Nguyên nhân của rối loạn Tic rất phức tạp, mang tính đa yếu tố, bao gồm yếu tố di truyền (đa gen), môi trường sống, và những rối loạn miễn dịch trung gian.
Do phần lớn các trường hợp Tic có tiên lượng tốt, việc hướng dẫn cho phụ huynh, thầy cô và chính trẻ hiểu về bản chất của rối loạn này đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện Tic trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, học tập hoặc các mối quan hệ xã hội, trẻ cần được can thiệp kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tâm lý học hoặc chuyên gia trị liệu hành vi, tùy theo mức độ khó chịu và ảnh hưởng thực tế.
BỆNH VIỆN SỨC KHỎE TÂM THẦN HẢI PHÒNG thường xuyên tiếp nhận, điều trị và quản lý các trường hợp rối loạn Tic ở trẻ em. Việc can thiệp bắt đầu từ đánh giá tần suất, mức độ nghiêm trọng của Tic và các triệu chứng đi kèm. Tùy từng trường hợp, các phương pháp điều trị có thể là trị liệu hành vi, dùng thuốc, hoặc kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hiểu đúng và đồng hành sớm sẽ giúp trẻ vượt qua những trở ngại do rối loạn Tic mang lại – để các em tự tin phát triển và trưởng thành một cách toàn diện.