Ngủ là một phần rất quan trọng của con người. Chúng ta dành tới 1/3 cuộc đời để ngủ. Khi ngủ, các cơ quan được nghỉ ngơi, não có thời gian thải trừ các chất độc và chuyển trí nhớ gần thành trí nhớ xa.
Chúng ta cảm thấy khỏe hơn sau "Một đêm ngủ ngon" và cáu kỉnh hoặc mơ hồ hơn nếu thiếu ngủ. Có nhiều bằng chứng cho rằng giấc ngủ không chỉ quan trọng đối với sức khỏe thể chất mà còn cả sức khỏe tâm thần của chúng ta. Ngủ kém hoặc ngủ không đủ giấc làm tăng phản ứng cảm xúc tiêu cực với các tác nhân gây căng thẳng và làm giảm cảm xúc tích cực.
Thời lượng giấc ngủ mà mỗi cá nhân phụ thuộc một phần vào độ tuổi. Nhìn chung, trẻ em và thanh thiếu niên cần ngủ nhiều hơn người lớn. Hầu hết người trưởng thành cần khoảng 7-9 giờ/ngày để ngủ, thanh thiếu niên thường cần 8-10 giờ/ngày và người lớn tuổi (65 tuổi trở lên) cần 7-8 giờ/
Các biểu hiện rối loạn giấc ngủ:
Mất ngủ là rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất, liên quan đến 6-10% dân số nói chung, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi. Mất ngủ là ngủ ít hơn bình thường của chính người đó trên 2 giờ mỗi ngày thì được gọi là mất ngủ. Mất ngủ được chia làm mất ngủ tiên phát và mất ngủ thứ phát do một bệnh cơ thể, một chất hoặc do rối loạn tâm thần. Mất ngủ tiên phát là mất ngủ trên 1 tháng, không kèm theo triệu chứng gì khác, không phải là hậu quả của một bệnh cơ thể, một chất hoặc một bệnh tâm thần khác.
Hậu quả của chứng mất ngủ:
Mất ngủ có nhiều hậu quả khác nhau đối với sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của người bị ảnh hưởng. Mất ngủ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về thể chất, chẳng hạn như rối loạn chức năng tim mạch. Ngoài ra, còn có những hậu quả đối với hoạt động xã hội bao gồm giảm hiệu suất công việc chung, tăng tai nạn liên quan đến công việc.
Mất ngủ làm giảm hiệu suất nhận thức so với những người ngủ bình thường, những người mất ngủ biểu hiện sự thiếu hụt về khả năng tập trung, sự chú ý liên tục và trí nhớ.
Mối quan hệ giữa mất ngủ và sức khỏe tâm thần:
Mất ngủ rất phổ biến trong các rối loạn tâm thần. Nó có thể tồn tại trước hoặc do rối loạn tâm thần và/hoặc tác dụng gây rối loạn giấc ngủ của thuốc chuyên khoa tâm thần, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRI). Nhìn chung, rối loạn giấc ngủ có liên quan đến bệnh lý tâm thần nghiêm trọng hơn và các vấn đề về giấc ngủ có thể giảm đi khi điều trị thành công. Khoảng 90% người bệnh trầm cảm có biểu hiện mất ngủ. Tác động ngược lại, mất ngủ khiến tình trạng trầm cảm của người bệnh càng nặng nề hơn.
Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ mất ngủ. Trên thực tế, các vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng 50-80% người bệnh đang điều trị sức khỏe tâm thần.
Chất lượng giấc ngủ tốt hay không đều có mối liên hệ chặt chẽ với tinh thần. Ngủ không đủ giấc làm cản trở khả năng hoạt động trong cuộc sống, tác động đến sức khỏe thể chất. Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tăng động giảm chú ý có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ.
Mối quan hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe tâm thần khá phức tạp. Tình trạng sức khỏe tâm thần không chỉ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ và ngược lại:
+ Đầu tiên, mất ngủ là một yếu tố duy trì bệnh lý tâm thần.
+ Thứ hai, các rối loạn giấc ngủ có liên quan đến lâm sàng thường vẫn còn sau khi các rối loạn tâm thần thuyên giảm, chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn Stress sau sang chấn và rối loạn đau buồn kéo dài.
+ Thứ ba, mất ngủ là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi tự tử, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tâm thần
Áp dụng phương pháp duy trì thói quen thức, ngủ đúng giờ, tránh dùng thuốc và các chất có thể kích thích thần kinh trung ương, tránh căng thẳng tâm lý, chế độ làm việc hợp lý, kết hợp thêm các phương thức cổ truyền như: Bấm huyệt, xoa bóp, tắm nước ấm… sẽ giúp cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Để được giải đáp mọi câu hỏi thắc mắc về bệnh mất ngủ cũng như nhu cầu cần thăm khám và điều trị về sức khỏe tinh thần, hãy liên lạc với chúng tôi! Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng - Cụm 2, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng./.